Contents
Sốt co giật có ảnh hưởng đến não không?
Sốt co giật là tình trạng mà các trẻ từ 6 tháng đến 60 tháng tuổi thường hay mắc phải. Đây là tình trạng bệnh lý tùy thuộc theo cơ địa trẻ nhiều trường hợp cũng có tính di truyền đôi khi cũng do những bệnh lý đi kèm.
Để trả lời cho câu hỏi “Sốt có giật có ảnh hưởng đến não?“, chúng ta cần xét đến bản thân cơ thể của trẻ. Đối với những trẻ có bệnh lý đi kèm về não: tổn thương não, khiếm khuyết não bẩm sinh, viêm não,.. thì khi sốt co giật chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến não. Còn đối với những trẻ không có bệnh lý về não đi kèm nhưng có cơ địa co giật do sốt hoặc do di truyền thì hầu hết là sốt co giật lành tính. Trẻ sẽ trở về bình thường sau khi hết cơn co giật.
Tuy nhiên, nói như vậy, không phải là khi trẻ bình thường bị sốt co giật chúng ta không tác động gì để giúp trẻ vượt qua cơn co giật. Vì trong cơn co giật nếu không có người lớn bên cạnh xử lý trẻ sẽ bị va đập, sặc đờm dãi và chính điều đó sẽ ảnh hưởng đến não của trẻ.
Trước khi tìm hiểu cách xử lý để trẻ sốt co giật không ảnh hưởng đến não, chúng ta cần phải biết những dấu hiệu báo động trẻ sắp xảy ra cơn co giật và biểu hiện lúc co giật để xử lý kịp thời.
Dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị sốt co giật
- Tay chân trẻ trở nên lạnh, trẻ có những cơn rét run, nổi da gà.
- Vẻ mặt trẻ kém sắc, không nói cười, không khóc.
- Khi vào cơn co giật trẻ gồng cứng cơ, tay nắm chặt.
- Nặng hơn thì trẻ co giật toàn thân, mắt trợn ngược, sùi bọt mép.
- Trẻ thở gấp, khó thở, môi, da tím tái.
Cơn co giật của trẻ là một biểu hiện đến bất ngờ, kéo dài 2-3 phút, cũng có cơn co giật kéo dài trên 20 phút và thường thì nếu không để ý chúng ta sẽ không phát hiện kịp thời dẫn đến việc can thiệp và xử lý cơn co giật của trẻ chậm hơn sẽ để lại nhiều hệ quả đáng tiếc,và làm ảnh hưởng đến não cũng là một trong số đó.
> Với những bé chỉ bị co giật nhưng không sốt, cần đọc thêm bài viết này: Trẻ em bị co giật nhưng không sốt và những thông tin cần biết
Cách xử lý để sốt co giật không ảnh hưởng đến não
- Khi phát hiện trẻ co giật, phải đặt trẻ nằm trên nền phẳng, không có vật sắc nhọn. Nếu đặt trên giường thì cũng phải chú ý tránh trẻ co giật rơi xuống đất, va chạm đầu sẽ ảnh hưởng đến não và có thể gây gãy chân tay, tổn thương cơ thể.
- Cho trẻ nằm ở tư thế nghiêng đầu một bên an toàn, khai thông đường thở. Đặc biệt là tránh trường hợp trẻ bị sặc do đờm dãi chảy ngược vào trong lúc sùi bọt mép trong cơn co giật. Vì nếu không khai thông đường thở, trẻ bị ngạt do tắc khí quản sẽ dẫn đến thiếu oxi lên não gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến não có thể nhồi máu não,…
- Nhét thuốc hạ sốt qua đường hậu môn để hạ sốt cho trẻ, tùy theo cân nặng mà chọn loại thuốc có hàm lượng phù hợp.(10-15mg/1kg, thường có 3 loại efferalgan 80mg,250mg và 300mg). Tuyệt đối không dùng thuốc động kinh để cắt cơn co giật của trẻ.
- Dùng khăn giặt nước ấm vắt ráo đắp 5 vị trí: trán, hai bẹn, 2 nách. Thay nước ấm liên tục, mỗi lần đắp 1-2 phút phải giặt thay khăn.
- Tuyệt đối không được bế trẻ đi cấp cứu khi trẻ đang trong cơn co giật.
- Những trẻ có bệnh lý về não kèm theo, sau cơn co giật người nhà cần đem trẻ đến bệnh viện để bác sỹ kiểm tra, thăm khám.
- Thông thường sau 2-3 phút trẻ sẽ hết cơn co giật và trở về trạng thái bình thường. Nhưng cũng có trường hợp trẻ co giật trên 5 phút thậm chí là 20 phút, đó là những cơn sốt co giật phức tạp. Hoặc sau cơn co giật trẻ vẫn còn lơ mơ, chưa tỉnh thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.
> Với những cơn co giật khiến bé tím tái, cần xem thêm: Trẻ sốt co giật tím tái và cách xử lý
Sốt co giật có thể ảnh hưởng đến não và gây động kinh?
Các ông bố bà mẹ thường lo sợ rằng con sốt co giật là có liên quan đến động kinh, để lại di chứng cho não. Nhưng sốt co giật và động kinh là hai bệnh lý hoàn toàn KHÁC NHAU. Khi trẻ lớn lên tầm trên 6 tuổi khi não bộ và hệ thần kinh phát triển hoàn thiện trẻ sẽ giảm và không còn tình trạng sốt co giật nữa.
Hầu hết các trường hợp sốt co giật là lành tính và không để lại di chứng gì về não bộ của trẻ nếu ba mẹ và người nhà không để những trường hợp chấn thương hay tắc đường thở xảy ra trong cơn co giật. Sốt là một phản ứng tốt của cơ thể nếu chúng ta biết cách kiểm soát, vì nó thúc đẩy hệ miễn dịch sinh ra các chất chống lại những kháng nguyên có hại cho cơ thể.
Rất nhiều trẻ dù lúc nhỏ bị sốt co giật nhiều lần nhưng lớn lên vẫn phát triển đầy đủ, hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh và thông minh. Vì thế bố mẹ cũng không nên quá lo lắng mà hãy thật bình tĩnh để xử lý kịp thời, chính xác và hiệu quả để con vượt qua cơn sốt co giật an toàn.
Đọc đến đây, REVIEW CẢ THẾ GIỚI hi vọng các bạn đã có thể có cho mình câu trả lời thỏa đáng về thắc mắc: Sốt co giật có ảnh hưởng đến não không. Chúc các bạn trở thành những ông bố bà mẹ thông thái để nuôi dạy con khỏe mạnh và thông minh nhé.
Điều dưỡng viên: Nguyễn Thị Phương Tâm
(Từng công tác tại bệnh viện Đa Khoa Vĩnh Đức- Quảng Nam)
Nguồn ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: