REVIEW: Cách trị dứt điểm viêm phế quản cho bé

Trị dứt điểm viêm phế quản cho bé

[Bài được viết bởi Điều dưỡng viên] Viêm phế quản là một trong những bệnh thường xảy ra đối với trẻ em, đặc biệt là những thời điểm giao mùa Tình trạng chữa mãi không khỏi dứt điểm khiến phụ huynh mệt mỏi. Vậy làm sao để trị dứt điểm viêm phế quản cho bé? Hãy đọc bài này của REVIEW CẢ THẾ GIỚI để có thêm thông tin nhé.

Giới thiệu về bệnh viêm phế quản ở trẻ

Viêm phế quản ở trẻ là tình trạng niêm mạc đường thở của trẻ bị viêm có thể kèm theo đờm dãi khiến trẻ khó khăn trong việc hô hấp do bị cản trở trong việc thông khí ở phổi và bị đau khi niêm mạc đường thở sưng đỏ. Ở trẻ em thường bị viêm ở tiểu phế quản.

Khi trẻ bị viêm phế quản sẽ xuất hiện những triệu chứng như: 

  • Trẻ ho kéo dài, có thể có đờm, trẻ ho nhiều đến mức có thể kích thích nôn ói.
  • Trẻ đau họng, rát cổ, chán ăn.
  • Trẻ sốt ( thường là sốt cao từ 39 độ trở lên). Hoặc thậm chí bé bị sốt đi sốt lại nhiều lần trong ngày.
  • Trẻ khó thở, thở khò khè, nghẹt mũi, dịch mũi màu xanh
  • Vì ho nhiều và đau họng nên giọng trẻ sẽ bị khàn đi
  • Trẻ chán ăn, quấy khóc và không vui chơi như bình thường

Nguyên nhân viêm phế quản ở trẻ

Những nguyên nhân gây ra bệnh viêm phế quản ở trẻ nhỏ
Những nguyên nhân gây ra bệnh viêm phế quản ở trẻ nhỏ

Phế quản của trẻ bị viêm chính là do sự xâm nhập của những vi khuẩn như tụ cầu, phế cầu, liên cầu và virus cúm. Cơ thể trẻ với sức đề kháng kém là đối tượng xâm nhập hàng đầu của các vi khuẩn virus trên.

Đặc biệt là vào thời điểm giao mùa, mùa đông và mùa xuân càng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, cơ thể trẻ nhiễm lạnh là môi trường cho vi khuẩn tấn công gây viêm phế quản cho trẻ. Vi khuẩn có trong không khí hay trên những bề mặt đồ chơi nơi mà trẻ tiếp xúc.

Không chỉ có vi khuẩn virus mà tình trạng viêm phế quản của trẻ xảy ra còn do trẻ hít phải những khói bụi ô nhiễm, hay những loại mùi và bụi mà trẻ bị dị ứng như lông chó mèo, khói thuốc lá…

Vì sao khó trị dứt điểm viêm phế quản cho bé?

Trẻ nhỏ dễ bị tái lại viêm phế quản
Trẻ nhỏ dễ bị tái lại viêm phế quản

Thông thường mỗi đợt viêm phế quản của trẻ sẽ hết sau 1 đến 2 tuần, tuy nhiên gọi là mỗi đợt là vì nó không hết hẳn mà sẽ tái đi tái lại nhiều lần ở những thời điểm khác nhau. Thậm chí mỗi đợt bị viêm phế quản khó chữa dứt điểm, bị dai dẳng mãi. Vào mùa lạnh thì tình trạng bệnh càng nặng hơn và tần suất xảy ra cũng nhiều hơn. Bạn có bao giờ hỏi tại sao bệnh này lại tái đi tái lại nhiều lần như vậy với con không? 

Như đã nói trẻ em là đối tượng có đề kháng yếu nên rất dễ bị vi khuẩn virus xâm nhập vào cơ thể. Lại thêm môi trường ngày càng ô nhiễm khói bụi, khí hậu thay đổi tạo điều kiện cho vi khuẩn virus sinh sôi nảy nở. Hết đợt xâm nhiễm này sẽ có đợt xâm nhiễm sau ở những thời điểm khác nhau.

Một nguyên nhân vô cùng quan trọng nữa là tình trạng lạm dụng kháng sinh và không tuân thủ phác đồ điều trị kháng sinh của bố mẹ. Có bố mẹ thì tự mua kháng sinh cho con uống vô tội vạ, có người bác sĩ cho liều kháng sinh là 14 ngày thì tự ngưng thuốc vì thấy con đã đỡ rồi. Làm cho vi khuẩn bị kháng thuốc và lần tái phát sau sẽ khó điều trị hơn.

Trẻ thiếu dinh dưỡng, ăn uống không đủ chất, cơ thể còi, yếu cũng là nguyên nhân dẫn đến khó trị dứt điểm viêm phế quản cho bé.

Kinh nghiệm thật: điều trị dứt điểm viêm phế quản cho bé

Viêm phế quản là bệnh dễ gặp phải ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, bệnh không thực sự khó chữa nhưng hay bị dai dẳng. 

Thông thường viêm phế quản hay do virus gây ra nên sẽ không dùng kháng sinh để trị mà bác sĩ sẽ cho những thuốc hỗ trợ như thuốc long đờm,… Tuy nhiên trong những trường hợp do vi khuẩn gây ra hay tình trạng viêm phế quản của trẻ nặng bác sĩ sẽ kê kháng sinh để đề phòng bội nhiễm do vi khuẩn cơ hội. 

Cho bé tới bệnh viện
Cho bé tới bệnh viện khám

Những trường hợp đó, mẹ phải tuân thủ tuyệt đối phác đồ kháng sinh của bác sĩ, không tự ngưng và cũng không tự mua kháng sinh cho con dùng, có bất thường phải báo bác sĩ. Có như vậy mới không xảy ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở trẻ. Tránh tình trạng tự ý thay đổi nhiều loại kháng sinh sẽ dễ gây ra bệnh kháng kháng sinh. Đó cũng là cách giúp hạn chế tình trạng tái phát của viêm phế quản.

Dưới đây là kinh nghiệm của Admin reviewcathegioi- từng có kinh nghiệm chăm sóc con nhỏ bị viêm phế quản.

Con của Admin tại thời điểm viêm phế quản là 3 tuổi, bé có triệu chứng ho đờm, chán ăn kèm sốt cao trên 38.5 độ. Mình đưa bé đi khám bác sỹ Hằng- Nguyên bác sỹ khoa Nhi của bệnh viện Nhi Trung Ương (bác có phòng khám ở Hàng Bông- Hà Nội). Bác khám sơ bộ thì nói có thể bé bị viêm họng thể nhẹ kèm ho đờm. Vì lúc nghe phổi thì không thấy có tiếng gì.

Đưa trẻ đi thăm khám bác sỹ
Bác sỹ nghe tim phổi cho bé

Thực tế con mình bị viêm phổi thỉnh thoảng cũng không nghe thấy tiếng gì. Tuy nhiên có một số bé chỉ cần nghe phổi, thấy tiếng rít, khò khứ, lọc sọc trong phổi rõ là có thể chuẩn đoán viêm phế quản. 

Mình sốt ruột nên bảo bác là hay cứ cho bé đi chụp phổi là biết ngay có bị viêm phế quản hay vào phổi không. Nhưng bác tư vấn là khi kê thuốc loại nhẹ mà bé chưa khỏi mới chỉ định chụp vì chụp phổi vẫn có tia X-Quang ít nhiều có hại cho trẻ nhỏ. 

Bác kê thuốc dạng siro cho uống (chưa phải kháng sinh). Con mình bị ho đờm, có ho cả đêm và sáng sớm nên bác kê uống Baby Canyl. Bác dặn nếu uống khoảng 3 hôm mà dứt ho đêm và sáng sớm – nghĩa là chỉ ho ban ngày thì chuyển sang uống Methorphan hoặc Ambroxol. Bên cạnh đó kết hợp dùng thuốc hạ sốt Paracetamol nếu trẻ sốt trên 38.5 độ. 

Thuốc ho Baby Canyl giảm ho đờm đêm và sáng sớm
Thuốc ho Baby Canyl giảm ho đờm đêm và sáng sớm

Mấu chốt ở đây là phụ huynh cần thực sự lắng nghe cơ thể và tình trạng bệnh của bé. Có gì là note lại để tả cho bác sĩ khi tái khám. 

Bé nhà mình uống 4 ngày Baby Canyl vẫn chưa dứt. Triệu chứng ho sáng sớm có giảm, ngày ho ngày không, nhưng ho đêm không hề giảm. Giữa đêm thậm chí khi bé trở mình sẽ ho sù sụ mà tiếng đờm rất rõ. Ho ban ngày còn tăng thêm. Mình cho đi khám lại và tả kỹ biểu hiện bệnh của bé thì bác sỹ chỉ định chup phổi.

Sau khi chụp thì bé bị viêm tiểm phế quản, may chưa vào phổi.

Bác sĩ kê kháng sinh Augmentin, siro Baby Canyl, kết hợp khí dung. Khí dung cụ thể là trộn 2 thuốc Ventolin và Pulmicort vào với nhau. Liều lượng bé nhà mình là mỗi loại nửa ống, pha cùng khoảng 2ml nước muối sinh lý. Bé xông khí dung 1 lần/ ngày trước mỗi khi ngủ. 

Khí dung hỗ trợ điều trị viêm phế quản cho trẻ nhỏ
Khí dung hỗ trợ điều trị viêm phế quản cho trẻ nhỏ

> Đọc thêm bài viết về: Cách xông mũi họng tại nhà

Bác sỹ có dặn kỹ nếu uống kháng sinh mà sau 2 ngày không dãn số lần sốt trong ngày, hoặc không khỏi sốt thì đưa bé đi khám lại. Phụ huynh cần tuyệt đối làm theo lời dặn và thuốc kê của bác sỹ nếu muốn trị viêm phế quản dứt điểm cho bé.

Bé nhà mình kê liều 5 ngày. Sau khi uống kháng sinh khoảng 1.5 ngày là bé đã dứt sốt, tất nhiên mình vẫn tiếp tục dùng thuốc kháng sinh theo liều bác sĩ kê. Sau khi uống và dùng hết thuốc theo liều kê, bé dứt sốt, hết ho đêm và sáng sớm. Ban ngày chỉ húng hắng ho nên mình cho uống siro Ambroxol thêm khoảng 5 ngày là hết ho. 

Trong suốt thời gian điều trị bác sỹ dặn dùng nước muối sinh lý cho trẻ rửa mũi và súc miệng mỗi ngày để làm sạch và thông thoáng họng, mũi, tiêu diệt những vi khuẩn bám ở họng và mũi, rửa trôi đờm dãi, dịch mũi cho trẻ dễ thở.

(Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo, phụ huynh cần cho bé đi khám để được kê đúng bệnh đúng thuốc)

Chăm sóc bé khi đang điều trị viêm phế quản dứt điểm

Khi con bị viêm phế quản, các mẹ đã biết chăm sóc con như thế nào để con nhanh hết bệnh và lấy lại sức khỏe ban đầu chưa? Dưới đây là một số những điều mà mẹ cần làm để chăm sóc con giúp con vượt qua bệnh nhanh nhất, và hỗ trợ trị viêm phế quản dứt điểm cho bé.

  • Khi bị viêm phế quản trẻ sẽ bị sốt rất cao, thường là từ 39 độ C trở lên. Do vậy, việc đầu tiên quan trọng là kẹp nhiệt độ cho con thường xuyên và dùng thuốc hạ sốt đúng lúc đúng liều. Tránh tình trạng sốt quá cao khiến trẻ bị sốt co giật.
Efferalgan 80mg
Thuốc hạ sốt Efferalgan 80mg
  • Cho trẻ uống đủ nước và dùng nước ấm,tuyệt đối không cho trẻ uống nước có đá, sẽ làm tình trạng viêm nặng hơn.
  • Cho trẻ nằm nghỉ ngơi ở phòng sạch sẽ, ấm tuy nhiên không bí hơi. Loại bỏ những mùi có tính kích thích : thuốc lá, phấn hoa, lông chó mèo, bụi bẩn,… sẽ khiến trẻ bị ho nhiều hơn.
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh trẻ, tạo cho trẻ không gian lành mạnh, đồ chơi chăn gối được giặt rửa thường xuyên. Tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, tránh đến những nơi không khí bị ô nhiễm,.. Tập thói quen đeo khẩu trang, rửa sạch tay cho trẻ.
  • Theo kinh nghiệm của Admin, thì phụ huynh nên đầu tư mua máy lọc không khí trong phòng ngủ. Vì không khí ngày càng ô nhiễm, việc mua máy lọc sẽ hạn chế phần nào tình trạng bé bị tái lại nhiều lần bệnh viêm phế quản.
  • Một số mẹ thắc mắc là trẻ viêm phế quản có tắm được không? Tất nhiên là phải tắm cho trẻ, nhưng tắm bằng nước ấm để kích thích lưu thông tuần hoàn, cho trẻ cảm giác dễ chịu, thoải mái. Nhưng nhớ là tắm ở phòng kín gió, tắm nhanh < 5 phút.
  • Giữ ấm cho trẻ là điều cần thiết, nhất là vào buổi sáng, đeo khăn choàng cổ, nếu trẻ còn nhỏ trước khi con đi ngủ nên massage cho con bằng tinh dầu tràm để giữ ấm cơ thể.
Giữ ấm cho bé vào mùa đông
Giữ ấm cho bé vào mùa đông
  • Cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ nuốt ( vì trẻ đang bị đau họng), chế độ ăn giàu dinh dưỡng: cháo thịt bò nấu kèm rau củ,.. bổ sung trái cây như cam, chuối, đu đủ,… để bổ sung vitamin khoáng chất cho trẻ. Vì trẻ chán ăn trong lúc đau nên chia nhỏ bữa ăn làm nhiều bữa trong ngày, không ép trẻ ăn nhiều trong một bữa sẽ làm trẻ chống đối và dẫn tới nôn hết thứ đã ăn.

Viêm phế quản mặc dù rất dễ tái phát ở trẻ, nhưng nếu mẹ tuân thủ và thực hiện tốt những điều trên thì tình trạng này sẽ được cải thiện và được điều trị dứt điểm. Với những chia sẻ ở trên về việc chữa dứt điểm bệnh viêm phế quản ở trẻ sẽ REVIEW CẢ THẾ GIỚI mong rằng các mẹ sẽ có thêm kiến thức và tự tin hơn trong việc chăm sóc con khi bị viêm phế quản nhé! 

Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Phương Tâm tổng hợp và viết

(Từng công tác tại bệnh viện Đa Khoa Vĩnh Đức- Quảng Nam)

Cùng những chia sẻ kinh nghiệm thật từ Admin

Nguồn ảnh: Sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.