[Bài được viết bởi Điều dưỡng viên] Cúm A là một bệnh lý do virus gây nên, bệnh này nguy hiểm và rất dễ lây lan thành đại dịch. Vậy phải làm gì khi trẻ em bị nhiễm cúm A? REVIEW CẢ THẾ GIỚI đã tìm hiểu và chia sẻ đến bạn cách chăm sóc trẻ bị cúm A trong bài viết này.
Contents
Thông tin về bệnh cúm A
Cúm A là tình trạng bệnh xảy ra khi con người bị các chủng virus H1N1, H5N1 hay H7N9 xâm nhập vào thông qua đường hô hấp. Cúm A là một bệnh lý rất hay gặp ở trẻ em, nếu biết và điều trị kịp thời sẽ khỏi và không để lại di chứng gì. Nếu không điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng đặc biệt là trẻ em, sẽ gây viêm cơ, suy hô hấp,.. 1 đến 4% dẫn đến tử vong. Vậy nên bố mẹ hãy hết sức chú ý để nhận ra tình trạng bệnh của con để xử lý kịp thời.
Thời gian ủ bệnh của virus cúm A là 7 ngày đối với trẻ em thì thời gian này còn có thể kéo dài hơn.
Đường lây của cúm A

Cúm A là một bệnh lây từ người sang người, đường lây truyền chính là hô hấp,từ những giọt bắn li ti hay bụi trong không khí. Nguồn lây là từ những người nhiễm trước đó hắc xì, ho lây lan ra. Đây là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính, rất dễ lây lan trong cộng đồng, nơi tập trung đông người mà đối với trẻ em thì trường học, nhà trẻ và khu vui chơi chính là những nơi dễ nhiễm bệnh nhất.
Ngoài trường hợp hít từ không khí thì cũng có trường hợp đặc biệt là trẻ em thì việc một đứa trẻ bị cúm A lấy tay che khi ho sau đó dùng tay cầm nắm đồ chơi, thức ăn và chuyền cho bạn, sau đó đứa trẻ kia đưa tay lên miệng, có thể là mũi, chính những lúc đó cũng tạo cơ hội cho virus xâm nhập vào cơ thể.
Phân biệt cúm A với cúm thông thường
Cúm thông thường và cúm A là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau, tuy nhiên có những biểu hiện tương đối giống nhau, do đó có rất nhiều người nhầm lẫn. Vậy thì làm sao để phân biệt hai loại cúm này?
Điểm giống nhau là ở hai loại cúm này đều có biểu hiện sốt, ho, chảy mũi, người có mệt mỏi. Tuy nhiên cúm thường hay còn gọi là cảm cúm, cảm lạnh xảy ra quanh năm, vào những mùa mưa hay ẩm ướt thì virus gây cúm thông thường phát triển mạnh, do đó cũng dễ gây bệnh hơn. Đa số cảm thông thường lành tính, không để lại biến chứng, không lây lan nhiều như cúm A và có thể tự khỏi sau 7 ngày.

Còn đối với cúm A thường xảy ra vào mùa đông và mùa xuân, nhất là thời tiết lúc chuyển giao mùa dễ cho virus sinh sôi, bệnh lây lan với tốc độ nhanh chóng, điều khác biệt nhất là người mắc cúm A sẽ bị sưng hạch hầu họng, đau vòm họng,..
Nếu trẻ bị cúm A, để hỏi bé cụ thể triệu chứng không hề dễ vì nhiều trẻ còn quá ít tuổi để tả cho bố mẹ tình trạng bản thân. Theo kinh nghiệm từng chăm sóc trẻ bị cúm A của Admin Reviewcathegioi, trẻ bị cúm A thường có các biểu hiện như sau:
- Hắt hơi, sổ mũi kèm sốt trên 38.5 độ. Một số trẻ sẽ kèm cả ho
- Đa số trẻ bị cúm A khi uống thuốc hạ sốt rất lâu hạ, mà sốt thường sốt cao trên 39 độ
- Buồn nôn
- Trẻ ủ rũ, chân tay mệt mỏi
- Trẻ chỉ muốn nằm, nhưng vẫn quấy kêu khóc đòi bố mẹ ôm bế
Tuy nhiên, để xác định rõ cách tốt nhất là xét nghiệm dịch mũi họng (hay còn gọi là Test cúm A/B) ở những cơ sở y tế, để đảm bảo đúng chính xác và điều trị kịp thời, tránh lây lan cho cộng động.
Cách chăm sóc trẻ cúm A

Trẻ em có sức đề kháng yếu là một trong những đối tượng tấn công hàng đầu của những virus cúm A. Nhưng đây là bệnh do virus nên không có thuốc đặc trị, chỉ điều trị theo triệu chứng. Vậy thì chăm sóc trẻ như thế nào?
- Khi phát hiện trẻ bị cúm mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay để xác định có phải cúm A hay không, mẹ phải cho bé ở nhà ngay và không được đến lớp hay nhà trẻ.
- Trẻ dễ bị sốt đi sốt lại nhiều lần trong ngày. Cho trẻ uống hạ sốt khi trẻ sốt trên 38,5 độ C, không được để sốt lên quá cao nhất là những trẻ có tiền sử sốt cao co giật. Thuốc hạ sốt khuyến cáo nên dùng là paracetamol, trong trường hợp này KHÔNG dùng aspirin hay ibuprofen để hạ sốt cho trẻ khi chưa được bác sỹ chỉ định.
- Kết hợp thêm các cách hạ sốt cho trẻ nhỏ như: lau người bằng nước ấm, không mặc quần áo quá dày nóng, cho trẻ uống nhiều nước…
- Cho trẻ uống các loại vitamin nhất là vitamin C để nâng cao đề kháng cho trẻ.
- Nếu bác sĩ có kê đơn thuốc kháng virus thì phải tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Thường thì khi bị cúm A bác sỹ sẽ kê uống Tamiflu. Không tự ý mua thuốc về cho con dùng khi chưa có tư vấn của bác sĩ.

- Bắt buộc phải cho trẻ uống đúng liều, bởi nếu dùng Tamiflu phải pha và đong khá lỉnh kỉnh. Cụ thể theo kinh nghiệm của Admin:
“Mình có con bị cúm A bị bé 3 tuổi và nặng 14kg. Với độ tuổi và cân nặng và cả tình trạng bệnh của con mình thì bác sỹ Hằng- Nguyên bác sỹ bệnh viện Nhi Trung Ương kê liều là: 1 viên con nhộng Tamiflu sẽ pha với 5ml nước. Sau khi pha sẽ cất trong lọ và bảo quản tủ lạnh ngăn mát. Con mình uống theo liều 2ml/ lần, ngày 2 lần. Mỗi lần uống mình phải cẩn thận dùng xilanh đong cho chuẩn xác.
Tamiflu khá nhạy nên con mình uống sau 1.5 ngày là cắt sốt, bé đỡ mệt mỏi hẳn nhưng vẫn phải uống đủ liều bác sỹ kê. Con mình bác kê uống 5 ngày”.
- Trẻ chảy mũi, nghẹt mũi thì phải vệ sinh, rửa mũi cho trẻ, đồng thời cho trẻ súc miệng bằng dung dịch nước muối sinh lý chuyên dụng.
- Cho trẻ nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, sạch sẽ, có phòng riêng và hạn chế tiếp xúc bên ngoài để tránh lây lan.
- Cho trẻ uống đủ nước, ăn thức ăn mềm dễ tiêu đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung trái cây vào chế độ ăn của trẻ: cam, chuối,… Giai đoạn này trẻ rất biếng ăn, không muốn ăn, do vậy mẹ phải chia nhỏ bữa ăn và dỗ cho trẻ ăn để đảm bảo dinh dưỡng và đề kháng.
- “Đặc biệt, Admin có nhớ lời bác sỹ Hằng- Nguyên bác sỹ bệnh viện Nhi Trung Ương dặn là bệnh cúm A rất dễ lây, nhất là lây cho người chăm bé thường là mẹ rồi đến bà và bố. Vì vậy suốt cả tuần chăm bé, cả nhà Ad đeo khẩu trang ngay cả khi ngủ, và may mắn không ai bị lây cả. Các phụ huynh cũng nên như vậy nhé, chứ mình chăm con ốm xong mình cũng ốm thì mệt cả mẹ lẫn con”.
Trường hợp nghiêm trọng khi chăm sóc trẻ bị cúm A

Trường hợp trẻ có những biểu hiện sau mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay:
- Trẻ khó thở, tức ngực
- Màu da chuyển sang màu xanh, tái, da môi nhợt nhạt.
- Trẻ không uống đủ nước, người mệt mỏi, kém tương tác với người nhà, vẻ mặt mệ mỏi
- Buồn nôn và nôn dữ dội
- Các triệu chứng cúm hết sau đó tái phát lại.
- Trẻ ngủ li bì, khó đánh thức.
Chăm sóc trẻ sau khi hết bị cúm A

Thường sau một trận cúm A thường nhanh nhất là 7 ngày, trẻ sẽ trở lại trạng thái ban đầu. Tuy nhiên theo kinh nghiệm cá nhân của Admin thì sau khi bé dứt sốt và hết cúm A, tình trạng sổ mũi và ho thường không dứt hẳn và sẽ bị kéo dài tới khoảng 1 tuần hoặc hơn.
“Sau khi con uống hết liều Tamiflu, mình đưa bé đi khám lại thì bác sỹ có kê Ambroxol trị ho đờm, và uống kết hợp Desloratadine giúp chữa tình trạng sổ mũi”.
Đây đều là thuốc thể nhẹ, không phải kháng sinh. Bé sau khi bị cúm A thể trạng thường vẫn mệt nên phụ huynh hạn chế cho bé uống kháng sinh nhé.
Mọi thông tin về thuốc đều là để tham khảo, phụ huynh cần mua thuốc cho bé và cho bé uống theo sự chỉ định của bác sỹ.
Hơn nữa trẻ thường bị chán ăn, sụt cân sau ốm, do đó, điều đầu tiên chăm sóc trẻ sau khi hết bị cúm A là điều chỉnh chế độ ăn phù hợp, bổ sung dinh dưỡng cấp tốc để lấy lại cân bằng thể chất cho trẻ. Một số loại thực phẩm được khuyến cáo: thịt bò, tôm, cá, các loại rau củ, cam, chuối, bơ,.. Nếu trẻ ăn được cơm rồi thì nên cho ăn cơm, hạn chế ăn cháo vì ăn áo rất nhanh đói và thường sẽ được đưa ra ngoài qua nước tiểu, phân.
Sau khi con hết bệnh, cũng đừng quên cho con uống đủ nước, có thể là nước ép các loại rau quả để bổ sung vitamin và khoáng chất.
Cho con tập vận động thể dụng phù hợp với tuổi để nâng cao thể trạng bé.
Đề phòng trẻ bị cúm A

Hiện nay cúm A đã có vắc xin phòng bệnh, tuy nhiên đều phải tiêm nhắc lại hàng năm nên ba mẹ chú ý và cho con tiêm mỗi năm để ngừa nhiễm cúm A. Ngoài ra để ngừa cúm A hiệu quả cần làm những việc sau:
- Tập cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên.
- Khi ho thì dùng khăn để che miệng, ho xong thì vứt khăn vào sọt rác.
- Giữ vệ sinh bề mặt các vật dụng của trẻ như: chăn gối phải giặt hằng tuần, đồ chơi của trẻ phải được rửa và phơi nắng thường xuyên.
- Khi đi ra ngoài phải đeo khẩu trang cho trẻ.
- Cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao đề kháng của trẻ.
Với tất cả những chia sẻ ở trên, mong rằng bạn sẽ có thêm thông tin cũng như biết cách chăm sóc trẻ bị cúm A. Hãy cùng theo dõi những bài viết tiếp theo của REVIEW CẢ THẾ GIỚI để có được những thông tin hay và bổ ích nhé!
Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Phương Tâm tổng hợp và viết
(Từng công tác tại bệnh viện Đa Khoa Vĩnh Đức- Quảng Nam)
Cùng những chia sẻ kinh nghiệm thật từ Admin
Nguồn ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: