Contents
Tình trạng trẻ sơ sinh bị khò khè ở cổ họng
Tình trạng khò khè nơi cổ họng ở trẻ sơ sinh xảy ra khi đường hô hấp đoạn cổ họng, khí quản và phế quản của trẻ bị tắc bởi dịch đờm nhớt. Khiến cho hơi thở của trẻ trở nên khó khăn, mỗi lần hít thở đều phát ra âm thanh rít ngáy mà khi áp vào miệng và ngực bé nghe rất rõ, đôi khi bé thở gắng sức chúng ta cũng có thể nghe rõ từ xa.
Đi kèm với khò khè ở cổ họng là tình trạng trẻ khó thở, thở không đều và đôi khi còn ngưng thở, trẻ quấy khóc và bỏ bú.
Lưu ý là tránh nhầm lẫn với âm thanh nghe được khi trẻ bị nghẹt mũi, đây cũng là tình trạng nghẹt do dịch mũi tuy nhiên không nguy hiểm bằng đờm nhớt bị tắc ở cổ họng.
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị khò khè ở cổ họng
Ở trẻ sơ sinh, cổ họng cũng như khí quản và phế quản của trẻ còn rất nhỏ. Chỉ cần một lượng nhỏ dịch đờm nhớt tiết ra sẽ khiến cho cổ họng trẻ bị tắc ngay. Một số những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng tiết đờm nhớt ở trẻ như sau:
- Trẻ bị viêm phế quản, nhất là tiểu phế quản do vi khuẩn virus xâm nhập là bệnh lý rất hay gặp ở trẻ sơ sinh. Khi mắc bệnh lý này, khí phế quản trẻ cũng tăng tiết đờm nhớt, trào đến cổ họng và gây khò khè.
- Trẻ mắc bệnh hen suyễn, tức là bệnh phế quản của trẻ bị viêm và co thắt bất thường khi bị tác động bởi các tác nhân như: bụi bẩn, phấn hoa, lông chó mèo, vi khuẩn, virus,.. Khiến cho dịch đờm nhớt tăng tiết gây nên tình trạng khò khè ở trẻ, kèm theo là trẻ khó thở, thở gấp và ho…
- Trào ngược dạ dày, với những trẻ sơ sinh tức là dưới 12 tháng tuổi. Đây là độ tuổi thường xảy ra tình trạng trào ngược dạ dày mỗi khi trẻ ăn xong, dẫn đến thức ăn và axit dạ dày trôi vào đường thở, làm sưng viêm niêm mạc đường thở, tăng tiết đờm nhớt làm tắc đường thở khiến cho trẻ khò khè ở cổ họng.
- Ngoài ra còn có một số trường hợp trẻ sơ sinh bị mắc dị vật đường thở, trẻ có khối u ở cổ họng,.. cũng khiến cho cổ họng nhỏ lại, càng dễ bị tắc bởi đờm nhớt dẫn đến tình trạng khò khè.
Cách chữa chứng khò khè cổ họng ở trẻ sơ sinh
Thực tế đa số trường hợp trẻ sơ sinh khò khè ở cổ họng là lành tính nên bố mẹ cũng không cần phải quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu không phát hiện và can thiệp đúng lúc để giúp trẻ thì sẽ để lại hậu quả đáng tiếc.
Khi trẻ bị chứng khò khè cổ họng không kèm biểu hiện bất thường, thì mẹ có thể theo dõi thêm nếu sau 2 ngày bé không khỏi thì nên đưa đến bác sĩ ngay để được thăm khám và điều trị. Khi đã đưa trẻ đến bác sĩ thăm khám rồi đưa trẻ về nhà, ngoài chỉ định của bác sỹ, bạn có thể tham khảo và áp dụng những cách sau để hỗ trợ chữa chứng khò khè cổ họng cho trẻ.
- Vệ sinh mũi họng trẻ hằng ngày bằng nước muối sinh lý để tiêu diệt bớt vi khuẩn và làm sạch mũi họng, để vi khuẩn vi rus không xâm nhập vào cổ họng đó cũng là cách hạn chế tăng tiết đờm nhớt, cho cổ họng trẻ không bị tắc nữa, trẻ sẽ cải thiện tình trạng khò khè.
- Cho trẻ uống nước ấm, một động tác tuy có vẻ đơn giản nhưng lại vô cùng hữu hiệu. Nước ấm với nhiệt độ tương đối sẽ khiến đờm trong cổ họng của trẻ tan ra để trẻ có thể dễ dàng nuốt xuống hoặc nhổ ra ngoài khi ho. Đồng thời nước ấm cũng khiến cho những chỗ sưng viêm ở cổ họng được dịu bớt, cho trẻ cảm giác thoải mái dễ chịu.
- Giữ ấm cho trẻ, đây là việc cần thiết khi trẻ bị khò khè ở cổ họng, việc giữ ấm cổ họng và cơ thể trẻ sẽ hạn chế việc tăng tiết đờm nhớt. Đồng thời, tránh việc trẻ bị cảm lạnh cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị khò khè cổ họng.
- Vỗ rung phổi cho trẻ, phương pháp nghe có vẻ khó nhưng thực ra rất dễ dàng. Mẹ cho trẻ nằm nghiêng an toàn trên giường, đầu không gối, bàn tay khum các ngón, đặt ngang lưng trẻ,vỗ nhẹ vào dọc hai bên sống lưng, hướng từ dưới lên cổ (vị trí hai lá phổi), vỗ theo từng nhịp để kích thích đờm nhớt ở phối long ra, mẹ bế trẻ lên dùng ngón tay rửa sạch kích thích trẻ ho khạc đờm ra ngoài.
- Sau khi trẻ vừa bú mẹ hoặc bú sữa được một lúc, phụ huynh nên vỗ ợ hơ cho trẻ, giảm tình trạng trẻ bị trào ngược dạ dày.
>> Xem thêm: Cách chữa ho đờm cho trẻ sơ sinh 1-2 tháng tuổi.
Trường hợp cần đưa trẻ đến bác sĩ ngay lập tức
- Trẻ sơ sinh khò khè khó thở, tím tái cần đưa đến bác sĩ ngay vì có thể trẻ bị tắc đường thở do đờm, thiếu oxy hô hấp, cần phải được cấp cứu.
- Trẻ khò khè kéo dài 3 đến 4 tuần, nếu để lâu sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ và nghi ngờ những bệnh lý nguy hiểm khác.
- Trẻ có tiền căn hen suyễn, về đêm càng khó thở, khò khè và ho liên tục.
- Trẻ khò khè cổ họng kèm sốt, có thể trẻ đã bị viêm nhiễm trùng, phải đưa đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị.
Đề phòng tình trạng trẻ sơ sinh bị khò khè ở cổ
Khò khè cổ họng là bệnh lý hay gặp ở trẻ sơ sinh không chỉ một mà còn tái đi tái lại nhiều lần, khiến trẻ quấy khóc, khó chịu, bỏ ăn và ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của trẻ. Do vậy, bố mẹ cần thực hiện những biện pháp sau.
- Nâng cao đề kháng cho trẻ sơ sinh bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ và phù hợp. Với những trẻ chưa ăn dặm, cần cho bú mẹ tích cực để tăng cường miễn dịch từ kháng thể của sữa mẹ. Những trẻ trên 6 tháng tuổi và đã ăn dặm thì vừa cho bú mẹ vừa bổ sung bữa ăn dặm hợp lý, cung cấp vitamin và khoáng chất cho trẻ phát triển toàn diện, chống lại tác nhân từ môi trường bên ngoài.
- Cho trẻ tiêm phòng những vắc xin phòng những bệnh về đường hô hấp khi đủ tuổi phù hợp.
- Tạo cho trẻ môi trường sống an toàn, lành mạnh hạn chế tối đa những tác động từ môi trường bên ngoài.
Với những chia sẻ về nguyên nhân và cách điều trị khi trẻ sơ sinh bị khò khè ở cổ họng, REVIEW CẢ THẾ GIỚI mong rằng bố mẹ sẽ trang bị được những thông tin cơ bản nhất để phát hiện và áp dụng thành công khi con mắc triệu chứng này nhé.
Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Phương Tâm tổng hợp và viết
(Từng công tác tại bệnh viện Đa Khoa Vĩnh Đức- Quảng Nam)
Nguồn ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: