[Bài được viết bởi Điều dưỡng viên] Trong hành trình lớn lên của trẻ sẽ có ít nhất một lần trẻ có triệu chứng sốt phát ban. Tại sao lại như vậy? REVIEW CẢ THẾ GIỚI sẽ thông tin đến bạn nguyên nhân và cách xử lý khi trẻ phát ban đỏ sau 3 ngày sốt.
Contents
Sốt phát ban là gì?
Sốt phát ban ở trẻ là tình trạng trẻ sốt kèm theo nổi ban đỏ dạng vòng, nốt hoặc mảng, có thể gồ lên bề mặt da. Bệnh lý này là bệnh lý thông thường ở trẻ, dễ điều trị (có thể điều trị tại nhà) và không để lại di chứng gì. Tuy nhiên nếu ba mẹ hoặc người nhà không biết cách chăm sóc và phát hiện diễn biến bệnh của trẻ sẽ để lại những hệ quả đáng tiếc xảy ra.
Thường xuất hiện nhất là ở độ tuổi từ 6 tháng đến 3 tuổi do sức đề kháng của trẻ yếu, trên 3 tuổi thì hầu như trẻ ít xảy ra tình trạng này.
Tại sao trẻ thường phát ban sau 3 ngày sốt
Thật ra, tình trạng trẻ phát ban đỏ sau 3 ngày sốt là do trước đó trẻ đã ủ bệnh từ 5 đến 7 ngày khi virus vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Sau đó xảy ra các quá trình tác động của virus lên cơ thể ở hệ miễn dịch dẫn đến sốt rồi mới đến phát ban đỏ trên da.
Những dấu hiệu xuất hiện khi trẻ bị sốt phát ban
Như đã nói, đây là bệnh lý thông thường tuy nhiên nếu bố mẹ không phát hiện sớm và can thiệp thì để lại những biến chứng như: viêm phổi, viêm não rất nguy hiểm. Vậy thì làm sao để phát hiện kịp thời? Dưới đây là một số biểu hiện thường có giúp bố mẹ phát hiện sớm bệnh lý phát ban đỏ sau 3 ngày sốt ở trẻ.
- Trẻ quấy khóc, khó chịu, biếng ăn kèm theo đó là sốt. Tùy vào nguyên nhân dẫn đến sốt phát ban ở trẻ mà có trẻ sốt nhẹ (38 độ C), sốt vừa (38-38,5 độ C) nhưng cũng có trẻ sốt cao(>38.5 độ C) kèm theo nôn ói, chảy mũi, ho,…Đây là những dấu hiệu đầu tiên, tuy nhiên vì có vẻ như những dấu hiệu này rất thông dụng nên bố mẹ thường chủ quan và dễ bỏ qua.
- Sau khi sốt tầm 2 đến 3 ngày, trẻ bắt đầu đỡ sốt hơn số lần sốt trong ngày cũng giảm đi thì lúc này những ban đỏ bắt đầu xuất hiện. Tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh mà biểu hiện nổi ban của trẻ cũng khác nhau.
- Nếu tác nhân là sởi thì ban đỏ sẽ xuất hiện từ tai, mặt, ngực, bụng, chân,..màu đỏ, có gồ lên mặt da. Sau khi tình trạng bệnh diễn biến tốt thì ban cũng sẽ mất đi theo thứ tự xuất hiện, tức là ban nào nổi trước sẽ lặn trước, nhiều trường hợp để lại thâm sẹo sau phát ban.
- Đối với ban do virus khác như Rubella, ban có màu sáng hơn (màu đào),không gồ lên bề mặt da. Ban xuất hiện ở mặt sau đó lan xuống chân. Với virus này thì thường sẽ lành tính với trẻ.
- Kèm theo phát ban, trẻ sẽ xuất hiện hạch ở cổ, sau tai,…
- Ở nhiều trẻ còn kèm theo tình trạng đi cầu lỏng hoặc phân sệt, có trẻ còn xuất hiện sưng mí mắt.
Các ban đỏ thường lặn dần sau 3 đến 4 ngày, tuy nhiên nếu không điều trị kịp thời sẽ để lại thâm, riêng sốt do sởi sẽ để lại thâm và vằn trên da trẻ.
Nguyên nhân phát ban ở trẻ sau 3 ngày sốt
Tác nhân gây ra sốt phát ban của trẻ chủ yếu là virus và lây qua đường hô hấp từ những giọt bắn khi trẻ ho, hắt xì, tay họ đưa lên miệng sau đó cầm nắm vào đồ vật và những trẻ khác cầm lại rồi đưa lên mặt mũi.
Đó cũng là lý do mà tại sao ở những nơi như trường học, nhà trẻ là nơi dễ lây bệnh sốt phát ban ở trẻ. Có rất nhiều loại virus gây bệnh sốt phát ban cho trẻ, ngoài ra còn có ký sinh trùng. Nhưng chủ yếu là do hai loại virus sau đây:
- Virus gây bệnh sởi: ở bệnh này, trẻ sẽ xuất hiện ban đỏ, ban gồ lên mặt da, xuất hiện theo thứ tự từ tai, mặt, ngực, bụng rồi lan ra toàn thân. Bệnh này nguy hiểm với trẻ khi phát hiện và điều trị không kịp thời, sẽ để lại di chứng như bệnh viêm phổi, viêm não do virus. Sau khi ban lặn sẽ để lại vết vằn trên da kèm theo thâm ở những chỗ nổi ban.
- Virus Rubella: sốt phát ban đỏ do virus này gây ra cho trẻ về cơ bản là hầu như lành tính (nhưng nguy hiểm với phụ nữ mang thai). Ban xuất hiện từ mặt rồi lan xuống chân, kèm theo ho, chảy mũi, đi cầu lỏng,.. Sau khi hết thì ban sẽ lặn từ từ theo thứ tự phát và không để lại dấu vết gì trên da trẻ.
Cách xử lý khi trẻ em bị phát ban đỏ sau ba ngày sốt
Sốt phát ban là bệnh do virus gây ra, do vậy không có thuốc đặc trị, vì thể việc điều trị sốt phát ban ở trẻ là điều trị triệu chứng. Tức là trẻ xuất hiện triệu chứng gì sẽ điều trị triệu chứng đó, đồng thời cung cấp chế độ ăn dinh dưỡng, môi trường sạch sẽ để trẻ tăng sức đề kháng chống lại bệnh.
Tuy nhiên, khi tình trạng bệnh trở nặng, bác sĩ sẽ kê thêm một số loại kháng sinh, với mục đích là chống bội nhiễm với những vi khuẩn cơ hội lúc hệ miễn dịch của trẻ yếu đi mà xâm nhập vào. Tuyệt đối tuân theo liều kháng sinh mà bác sĩ cho, không được tự ý mua thuốc kháng sinh cho con dùng, sẽ rất nguy hiểm.
- Hạ sốt: đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong việc xử lý trẻ phát ban sau 3 ngày sốt. Kèm theo đó là giặt khăn nước ấm đắp cho trẻ ở năm vị trí trán, hai bẹn, hai nách tích cực.
- Cho trẻ uống bổ sung thêm vitamin C và vitamin A để nâng cao đề kháng.
- Cho trẻ uống nước thường xuyên, có thể thêm nước ép hoa quả cho trẻ để bổ sung vitamin và chất xơ.
- Trẻ có chảy mũi và ho thì cho trẻ súc miệng bằng nước muối, rửa mũi bằng nước muối sinh lý để trẻ thông thoáng đường thở. Có thể cho trẻ uống tắc chưng đường phèn, mật ong pha gừng,..
- Cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng, thức ăn mềm dễ tiêu: súp, cháo,..
- Nên cho trẻ điều trị tại nhà và có phòng riêng nếu bệnh trẻ không phức tạp để tránh lây nhiễm chéo vì đây là bệnh lây qua đường hô hấp nên rất dễ lây lan.
- Chú ý tình trạng trẻ trở nặng, ban nổi nhiều hơn, trẻ mệt mỏi, lừ đừ,tiêu chảy kéo dài thì đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
Đọc thêm: Trẻ sốt phát ban nên uống thuốc gì?
Lưu ý khi chăm sóc trẻ phát ban sau 3 ngày sốt
- Không nên cho trẻ ăn kiêng như mọi người hay truyền tai nhau, hãy cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng, chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa trong ngày, bổ sung rau quả, thịt để tăng sức đề kháng. Ăn thức ăn mềm và dễ tiêu.
- Một số mẹ thắc mắc là trẻ sốt phát ban có tắm được không? Câu trả lời là có nhé. Có thể tắm cho con bằng nước ấm, hoặc cũng có thể nấu nước lá (lá trầu không, lá trà xanh,…) để tắm cho trẻ. Lưu ý là tắm ở nơi kín gió, tắm nhanh không quá 5 phút, không chà xát lên vùng phát ban sẽ gây tổn thương. Việc tắm sạch sẽ cho trẻ sẽ giúp trẻ dễ chịu, sạch sẽ và mau hết bệnh.
- Cho trẻ nằm ở nơi sạch sẽ, thoáng. Đồ dùng của trẻ phải thường xuyên giặt.
- Nên theo dõi tình hình sức khỏe của con mỗi ngày, để phát hiện kịp thời và điều trị hiệu quả cho con.
Nên làm gì để ngăn ngừa bệnh lý sốt phát ban ở trẻ
- Hiện nay đối với hai loại virus gây sốt phát ban này đã có vắc xin. Đối với sởi thì bạn có thể cho trẻ chích ngừa từ khi con 9 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng, còn vắc xin rubella thì được chích mũi 3 trong 1 với quai bị và sởi khi trẻ từ 12 tháng tuổi và tiêm nhắc lại vào lúc con 3 tuổi.
- Bên cạnh đó, điều quan trọng là dinh dưỡng cho trẻ, vì bản thân sức đề kháng con tốt thì sẽ không sợ bất cứ tác nhân nào từ bên ngoài. Bố mẹ nên xây dựng cho con một chế độ ăn phù hợp,nhất là bổ sung vitamin và khoáng chất.
- Tập cho con thói quen vệ sinh tay chân sạch sẽ, khi hắc xì thì nên đưa khuỷu tay lên che thay vì lòng bàn tay mà con thường cầm nắm đồ vật đó sẽ là nơi truyền virus vi khuẩn gây bệnh.
- Tạo cho con một môi trường lành mạnh, sạch sẽ, đồ chơi đồ dùng cá nhân của con nên được giặt rửa phơi khô thường xuyên.
- Tạo cho trẻ thói quen đeo khẩu trang mỗi khi ra đường hay đến nơi đông người như siêu thị, khu vui chơi,.. Vì trẻ còn nhỏ nên sức đề kháng yếu, dễ lây bệnh nên việc đề phòng vẫn là phương án tối ưu nhất.
- Môi trường lớp học và nhà trẻ là những nơi rất dễ lây lan bệnh. Nếu bạn có con đang nghi mắc sốt phát ban thì nên cho con ở nhà để tránh lây lan cho trẻ khác. Nếu bạn là cô giáo hoặc người chăm trẻ thì nên chú ý đến trẻ để phát hiện những biểu hiện của trẻ. Đồng thời tạo môi trường lớp học sạch sẽ, vệ sinh để hạn chế việc lây lan bệnh cho trẻ.
Đó là những thông tin cần thiết mà REVIEW CẢ THẾ GIỚI muốn gửi đến tất cả những ông bố bà mẹ đang chăm con nhỏ. Mong rằng qua bài viết về nguyên nhân và cách xử lý khi con phát ban đỏ sau 3 ngày sốt sẽ giúp bố mẹ áp dụng thành công khi con mắc phải nhé!
Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Phương Tâm tổng hợp và viết
(Từng công tác tại bệnh viện Đa Khoa Vĩnh Đức- Quảng Nam)
Nguồn ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: