[Bài được viết bởi Điều dưỡng viên] Vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh là vấn đề mà rất nhiều mẹ bỉm quan tâm. Hãy theo dõi bài viết dưới đây của REVIEW CẢ THẾ GIỚI để biết cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh sau khi rụng nhé.
Contents
Khi nào thì rốn của trẻ sơ sinh rụng?
Như mọi người đã biết, dây rốn chính là con đường truyền dinh dưỡng và kháng thể từ mẹ sang con trong suốt thai kỳ để trẻ lớn lên và phát triển trong bụng mẹ.
Sau khi được sinh ra, dây rốn sẽ được cắt và chừa lại một đoạn 2 đến 3cm trên bụng trẻ. Ban đầu cuống rốn sẽ có màu vàng sáng, sau đó chuyển sang màu nâu, có thể sang màu xanh tiếp đến là khô đi và chuyển sang màu đen rồi rụng xuống.
Theo sinh lý bình thường thì sau 7 đến 10 ngày sau sinh cuống rốn sẽ tự rụng, và liền hẳn sau 15 ngày có thể đến 20 ngày tùy vào cơ địa của mỗi em bé. Còn theo quan niệm xưa của ông bà thì rốn bé gái rụng sau 9 ngày, rốn bé trai sẽ rụng sau 7 ngày.
Tuy nhiên nếu sau 6 tuần mà cuống rốn trẻ vẫn chưa rụng thì mẹ nên quan sát xem và đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên môn, tránh trường hợp nhiễm trùng gây nguy hiểm cho trẻ.
Cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh sau khi rụng
Đây có lẽ là điều mà hầu hết các mẹ có trẻ sơ sinh đều rất quan tâm. Bởi vì việc vệ sinh rốn cho trẻ sau sinh là vô cùng quan trọng. Bản chất cuống rốn của trẻ sơ sinh cũng không khác gì một vết thương hở trên bụng trẻ, rất dễ bị xâm nhập bởi các virus vi khuẩn từ môi trường bên ngoài. Nếu không biết cách vệ sinh và chăm rốn,sẽ dẫn đến nhiễm trùng rốn kèm theo những biến chứng cho trẻ vô cùng nguy hiểm.
Dưới đây là những bước thực hiện vệ sinh rốn cho trẻ sau khi rụng mà các mẹ có thể tham khảo như sau.
- Đầu tiên, để đảm bảo việc vệ sinh rốn được đảm bảo an toàn, các mẹ phải rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sau đó sát khuẩn bằng cồn 70 độ để tránh truyền vi khuẩn virus từ tay mẹ sang rốn con.
- Chuẩn bị dụng cụ gồm có: tăm bông, gạc, dung dịch rửa cuống rốn do bác sĩ chỉ định hoặc nước muối sinh lý NaCl 0,9% hoặc cồn 70 độ, đảm bảo sạch sẽ, vô trùng.
- Việc vệ sinh rốn cho trẻ thường tiến hành sau khi tắm cho trẻ, nên sau khi tắm trẻ xong phải lau khô người trẻ, mặc đồ và chừa lại phần bụng quanh rốn để vệ sinh.
- Mẹ dùng một miếng gạc kích thước vừa đủ, tẩm dung dịch vệ sinh rốn sau đó nhẹ nhàng lau quanh rốn theo hình xoắn ốc từ trong ra ngoài ( nếu làm từ ngoài vào trong vô tình sẽ đưa vi khuẩn từ bên ngoài vào chỗ vết thương, sẽ gây nhiễm trùng).
- Mẹ dùng tăm bông tẩm cồn 70 độ hoặc dung dịch rửa hay NaCl 0,9%, dùng tay vạch rõ bên trong gốc rốn, đưa tăm bông vào ngoáy nhẹ nhàng để sát khuẩn và lấy dịch rỉ hay màng thịt còn sót lại. Ở bước này, phải chú ý quan sát xem bên trong đã khô chưa, có dịch rỉ nhiều không, có mủ hay dịch máu gì không, nếu có bất thường phải báo lại bác sĩ để kịp thời xử lý.
- Bước sau cùng là dùng một miếng gạc tẩm dung dịch vệ sinh rốn lau lại cho trẻ như bước 1, lau xung quanh rốn theo hình xoắn ốc từ trong ra ngoài. Sau đó để vùng rốn trẻ khô tự nhiên..
Một số mẹ muốn yên tâm hơn thường dùng miếng gạc hay bông dán vào vùng rốn bé, nhưng theo kinh nghiệm cá nhân mình thì không nên. Hãy để rốn bé được thoáng khí để dễ khô tự nhiên.
Cứ như vậy đều đặn lặp lại mỗi ngày cho đến khi rốn khô và liền hoàn toàn. Hãy giữ cho rốn trẻ luôn khô thoáng, không để nước tiểu trẻ bắn vào vùng rốn,…
Những bất thường khi vệ sinh rốn sau rụng cho trẻ sơ sinh
Khi vệ sinh rốn cho con, mẹ cần chú ý những điểm sau để phát hiện và đưa bé tới gặp bác sỹ kịp thời, tránh những biến chứng không đáng có.
- Vùng rốn sưng đỏ bất thường, khiến trẻ mệt mỏi khó chịu
- Sau khi rụng rốn có thể có vài giọt máu nhưng nếu máu chảy nhiều phải báo lại bác sĩ ngay.
- Dịch ra tại rốn có mủ, màu vàng, tanh hôi, khả năng trẻ bị nhiễm trùng cao, đôi khi khiến trẻ bị sốt.
- Vùng da quanh rốn đỏ, mềm, nhấn vào có thấy mủ bên trong, dấu hiệu trẻ đã bị nhiễm trùng rốn.
Khi phát hiện bất thường phải gặp bác sĩ ngay, tuyệt đối KHÔNG dùng những phương pháp dân gian chưa qua kiểm chứng mà đắp nhiều thứ khác vào rốn trẻ, sẽ vô cùng nguy hiểm. Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh rất yếu sẽ khó có thể kháng cự lại tác nhân bên ngoài.
Một số review của các mẹ về cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh sau khi rụng
Reviewcathegioi đã tổng hợp một số review thật của phụ huynh trên các diễn đàn lamchame, webtretho uy tín như dưới đây:
- Mẹ doz anh ly: “ Bé nhà mình rụng rốn nhưng mãi không khô, mình có nhờ chị y tá đến nhà vệ sinh rốn cho con thì chỉ làm như thế này: mỗi lần chỉ tắm bé xong là lau khô em bé, sau đó dùng tăm bông tẩm cồn 70 độ vệ sinh và lau sạch xung quanh rồi để khô, không đắp gì lên cả, sau 1 tuần thì rốn khô luôn và rất sạch sẽ. Mình rất hài lòng, nếu mẹ nào không tự làm được thì có thể thuê y tá về giúp, tốn một chút nhưng khá yên tâm các mẹ ạ.”
- Mẹ Phamthuyvy: “ Bé nhà mình thì sau 9 ngày là rụng rốn, nhưng vì bà ngoại tắm để rốn bé bị ướt nên mãi vẫn không khô, còn chảy dịch vàng rất hôi, sau đó mình đưa bé đến bác sĩ thì bị bác sĩ la quá trời vì không giữ rốn con khô thoáng, tí nữa là nhiễm trùng. Rồi bác cho thuốc về bôi 1 tuần sau rốn đã khô. Thật may vì còn đến gặp bác sĩ kịp, các mẹ nhớ là giữ cho rốn con khô thoáng nhé, bài học cho mình.”
- Mẹ Tun 1911: “ Bé nhà mình mới sinh ở bệnh viện bác sĩ đã dặn phải để rốn con được khô thoáng, không băng bó gì cả, cứ vệ sinh bằng cồn 70 độ, sau đó 4 ngày thì cuống rốn rụng luôn, sau đó vẫn tiếp tục vệ sinh bằng cồn 70 độ”. Chị khuyến cáo thêm là không dùng dung dịch màu vàng để vệ sinh rốn cho bé, có lẽ chị đang nhắc tới betadine.
- Mẹ Myphuong09: “ Bé mình hồi còn trong tháng lúc mới rụng rốn xong có chảy dịch vàng, mùi tanh hôi, đưa đi bác sĩ thì bảo là vệ sinh không đúng cách. Vì rốn bé đã rụng nên không băng bó gì cả, cứ để tự nhiên, tắm xong, dùng tăm bông lau khô cho bé, dùng thuốc milian bôi vùng rốn, thuốc này bác sĩ kê, sau 7 ngày thì khô hoàn toàn. Bởi vậy, việc vệ sinh đúng cách vô cùng quan trọng đó các mẹ, nếu ai chưa biết thì nên tìm hiểu kĩ, có thể nhờ bác sĩ hướng dẫn để không bị như mình nhé.”
Trên đó là những trải nghiệm thực tế của các mẹ về cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh sau khi rụng. Với những chia sẻ trên REVIEW CẢ THẾ GIỚI hi vọng các mẹ sẽ trang bị cho mình những thông tin cần thiết, nhất là các mẹ sắp đón thiên thần nhỏ có thêm kinh nghiệm để chăm sóc con yêu nhé.
Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Phương Tâm tổng hợp và viết
(Từng công tác tại bệnh viện Đa Khoa Vĩnh Đức- Quảng Nam)
Nguồn ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: