Trẻ bị tiêu chảy và nôn trớ – Nguyên ngân và cách xử lý

Trẻ bị tiêu chảy và nôn trớ

[Bài được viết bởi Điều dưỡng viên] Con bị tiêu chảy nhiều ngày kèm theo việc cho nôn trớ khiến bố mẹ hết sức lo lắng. Cùng REVIEW CẢ THẾ GIỚI trang bị những kiến thức cần thiết khi trẻ bị tiêu chảy và nôn trớ.

Tiêu chảy và nôn trớ ở trẻ nhỏ là gì?

Tiêu chảy và nôn trớ là những bệnh mà không có trẻ em nào là không mắc phải. Đây là những bệnh lý rất hay gặp phải và nếu không xử lý đúng cách sẽ dẫn đến mất nước vô cùng nguy hiểm.

Tiêu chảy có thể gặp ở bất kì độ tuổi nào của trẻ, là khi trẻ đi phân lỏng bất thường, phần nước nhiều hơn phần đặc, có màu nâu, xanh lá hoặc vàng. Cũng có khi phân chỉ toàn là nước và có mùi rất khó chịu.

  • Phân từ hậu môn phun mạnh ra, tràn ra khỏi bỉm, bắn ra ngoài.
  • Trẻ đi ngoài nhiều hơn 3 lần/ 24 giờ. Trừ trường hợp trẻ bú mẹ hoàn toàn đi cầu phân lợn cợn 5-7 lần/ngày là bình thường.

Khi trẻ mắc một trong hai triệu chứng trên hoặc nôn trớ hoặc tiêu chảy cũng đã khiến bố mẹ hoang mang lo lắng. Nhưng cũng không hiếm các trường hợp trẻ tiêu chảy kèm nôn trớ, bố mẹ phải làm gì? Yên tâm, REVIEW CẢ THẾ GIỚI sẽ giúp bố mẹ hiểu và chọn phương án giải quyết tốt nhất cho con.

Nguyên nhân trẻ bị tiêu chảy kèm nôn trớ

Trẻ bị tiêu chảy và nôn trớ
Trẻ bị tiêu chảy và nôn trớ
  • Trẻ bị ngộ độc thức ăn:  sau khi ăn uống một số loại thức ăn có nhiễm độc, khoảng  vài giờ đến vài ngày trẻ sẽ có triệu chứng đau bụng, buồn nôn và nôn ngay (có khi nôn ra cả máu), kèm theo đó là đi cầu phân lỏng,sệt, đôi khi nước tiểu cũng có máu.Đa số ngay sau đó trẻ sẽ kèm theo triệu chứng sốt >38 độ C.
  • Trẻ dị ứng sữa công thức: do cơ chế miễn dịch của trẻ nhận nhầm protein trong sữa là kháng nguyên lạ, nên sinh ra phản ứng chống lại. Triệu chứng này xuất hiện ngay trong lần đầu tiên uống sữa. Đi cầu trên 3 lần/ ngày, trong tả có lẫn máu, kèm theo đó là hiện tượng trào ngược, nôn ngoài giờ ăn, khó nuốt.
Trẻ bị tiêu chảy và nôn trớ do dị ứng sữa
Trẻ bị tiêu chảy và nôn trớ do dị ứng sữa
  • Lạm dụng thuốc kháng sinh: trong trường hợp chẳng hạn như: trẻ mắc bệnh viêm phổi, viêm phế quản nhưng bố mẹ lại quá lạm dụng thuốc kháng sinh, nhưng chính thuốc kháng sinh sẽ làm tiêu diệt những lợi khuẩn có lợi trong đường ruột của trẻ còn những vi khuẩn có hại thì không bị ảnh hưởng, từ đó nhóm vi khuẩn có hại sẽ tiết ra độc tố nguy hiểm dẫn đến phù nề niêm mạc tiêu hóa, xuất huyết dẫn đến trẻ bị tiêu chảy kèm theo nôn mửa do tác dụng phụ của thuốc kháng sinh. Thường xuất hiện từ 2-9 ngày sau khi dùng kháng sinh, bụng sôi, đau, chướng nhẹ có thể đi cầu từ 15-20 lần/ ngày. Phân nhầy, lẫn bọt, màu xanh hoặc vàng lợn cợn, hôi thối. Chất nôn có khi là thức ăn, nhưng có khi là mật vàng.
  • Viêm dạ dày- ruột cấp tính do virus (rotavirus,adenovirus..) cũng có thể do vi khuẩn (e.coli, tụ cầu…) bệnh này lây qua đường: phân- miệng,tay-miệng, thông qua đồ chơi, vật cầm nắm,…Triệu chứng đầu tiên là nôn mửa thường bắt đầu trước 6-12 giờ khi tiêu chảy xuất hiện và giảm dần khi tiêu chảy xuất hiện. Trẻ sẽ đi lỏng có khi đến 20 lần/ ngày, phân toàn nước, màu xanh, nhớt, không máu,…kèm theo sốt, chảy mũi, ho…

Dù là trẻ bị tiêu chảy kèm nôn mửa vì bất cứ lý do nào ở trên thì hệ quả chung là: mất nước vô cùng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Kèm theo đó là trẻ sẽ giảm cân, biếng ăn, mất sức,.. lâu dần sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng và chậm phát triển.

Vậy phải xử lý như thế nào khi con bị tiêu chảy kèm nôn mửa?

Cách xử lý khi trẻ bị tiêu chảy kèm nôn mửa

  • Nghiêm túc thực hiện phát đồ điều trị của bác sỹ, không tự ý mua kháng sinh cho con uống tại nhà.
  • Dừng ngay loại sữa công thức mà trẻ vừa uống lần đầu mà gây ra triệu chứng này. Khi đưa con đến bệnh viện cần mang theo loại sữa con đã uống.
  • Pha oresol (theo tỉ lệ trên bao bì) cho trẻ uống thường xuyên, nếu trẻ không uống được nhiều thì không nên bắt trẻ uống một lần mà chia nhỏ cứ 15-20 phút cho uống một ít (15ml), nếu trẻ chống đối thì có thể cho trẻ uống thêm nước lọc xen kẽ, không nên ép trẻ uống nhiều 1 lần sẽ gây tác dụng ngược trẻ sẽ nôn ra nhiều hơn.
Thuốc oresol cho trẻ bị tiêu chảy và nôn trớ
Thuốc oresol cho trẻ bị tiêu chảy và nôn trớ
  • Cho con ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, thức ăn đảm bảo an toàn. Theo một số quan điểm xưa thì các bà mẹ sẽ cho con ăn cháo trắng khi tiêu chảy và nôn mửa, nhưng thực tế, khi tiêu chảy và nôn mửa trẻ mất khá nhiều nước, điện giải dẫn đến kém hấp thu và mất nhiều chất dinh dưỡng, do đó phải cho con ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nếu cần hãy tham khảo ý kiến bác sỹ. Thức ăn cho trẻ nên là thức ăn mềm, lỏng, bổ sung thêm chuối, cam vào thực đơn, không được dùng nước ngọt, bánh, những loại sữa mới mà trẻ chưa dùng qua…
  • Tạo cho trẻ không gian nghỉ ngơi thoải mái, thoáng đãng, tránh áp lực tâm lý sẽ giúp trẻ nhanh hồi phục hơn.
  • Đối với trẻ còn bú, hãy cho trẻ bú mẹ tích cực. Vì sữa mẹ có rất nhiều kháng thể tốt và an toàn cho trẻ.
  • Bổ sung men vi sinh cho trẻ để bổ sung lợi khuẩn giúp trẻ hấp thu tốt hơn, hạn chế trường hợp tiêu chảy kèm nôn trớ ở trẻ.
  • Theo dõi tình trạng mất nước của trẻ, tùy theo cấp độ mà trẻ có tình trạng: môi khô, thèm nước, nhìn thấy nước háo hức đòi, mắt trũng, da lạnh, ngủ nhiều, có thể quấy khóc nhưng ít hoặc không có nước mắt,…

Tất cả các trường hợp khi trẻ có triệu chứng tiêu chảy kèm nôn mửa đều phải đưa trẻ đến bệnh viện để xác định nguyên nhân. Không được tự ý điều trị tại nhà.

Đề phòng con bị tiêu chảy và nôn mửa

Cho trẻ rửa tay thường xuyên
Cho trẻ rửa tay thường xuyên
  1. Thức ăn cho trẻ phải đảm bảo vệ sinh, ăn chín uống sôi.
  2. Thường xuyên rửa tay cho trẻ, giữ trẻ sạch sẽ.
  3. Đảm bảo môi trường xung quanh sạch sẽ, đồ chơi của trẻ phải được rửa ít nhất 1 tuần/1 lần.
  4. Bổ sung men vi sinh cho trẻ thường xuyên.
  5. Đối với những trẻ từng bị dị ứng sữa hay tiêu chảy vì tác dụng phụ của  thuốc kháng sinh, bố mẹ nên để ý nhớ những loại đó để tránh cho con dùng lại và cho bác sỹ biết khi khám bệnh.
  6. Nước trái cây là tốt nhưng không nên cho con uống quá nhiều (>120ml/ngày) vì hệ tiêu hóa con còn yếu.
  7. Sữa mẹ có nhiều kháng thể và chất dinh dưỡng có lợi cho con nên hãy cố gắng cho con bú mẹ càng nhiều càng tốt.

Tiêu chảy và nôn mửa ở trẻ là rất nguy hiểm, nhưng nếu bố mẹ hiểu và biết cách xử lý thích hợp thì con sẽ an toàn và khỏe mạnh. Hi vọng những chia sẻ ở trên sẽ giúp mọi người giải đáp thắc mắc và áp dụng thành công vào trường hợp của mình. REVIEW CẢ THẾ GIỚI sẽ luôn cùng bạn nuôi con vui khỏe.

Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Phương Tâm

(Từng công tác tại bệnh viện Đa Khoa Vĩnh Đức- Quảng Nam)

Nguồn ảnh: Sưu tầm Internet




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.