Cần đọc! Trẻ bị kiến ba khoang đốt nên xử lý thế nào?

Trẻ bị kiến ba khoang đốt

[Bài được viết bởi Điều dưỡng viên] Bị kiến ba khoang đốt, nỗi ám ảnh đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Cùng đọc bài viết này của REVIEW CẢ THẾ GIỚI để có thêm thông tin về cách xử lý khi trẻ bị kiến ba khoang đốt nhé!

Nhận biết kiến ba khoang

Kiến ba khoang là loài kiến có đôi cánh trong suốt, thân hình thon dài, có màu đen và màu đỏ xen kẽ tạo thành các khoang, vùng trên giữa có màu phát quang ngũ sắc. Kiến ba khoang có chiều dài tương đối khoảng 1 đến 1,2cm.

Kiến ba khoang
Kiến ba khoang

Chúng sống ở ruộng lúa, bụi cây, có thể có ở các công trường đang xây, bay vào nhà bám vào quần áo, khăn lau,… Nó có thể bay vào nhà theo ánh sáng đèn điện vào buổi tối khi không đóng cửa,.. Nhất là vào mùa mưa, kiến ba khoang phát triển rất nhanh và ở khắp mọi nơi.

Trong dịch tiết ra của chúng có chứa chất peredin cực độc, hơn cả nọc độc của rắn hổ mang, vì chỉ tiếp xúc ngoài da và lượng nhỏ nên ít có khả năng gây chết người. Nhưng khi bị kiến ba khoang khoang đốt, dịch của nó tiết ra làm tổn thương da rất nặng. Dịch độc của kiến ba khoang không chỉ có khi nó tiết ra lúc đốt người mà còn có khi chà xát thân mình của chúng dập nát.

Trẻ bị kiến ba khoang đốt có nguy hiểm không?

Da trẻ vốn nhạy cảm và dễ kích ứng nếu bị kiến ba khoang đốt, dịch độc của nó tiết ra với tính chất độc gấp 15 lần so với nọc độc của rắn hổ mang, sẽ làm cho da bé tổn thương nghiêm trọng.

Trẻ bị kiến ba khoang đốt rất nghiêm trọng
Trẻ bị kiến ba khoang đốt rất nghiêm trọng

Nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng cách còn để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như: lở loét, bội nhiễm, để lại sẹo xấu, nếu trên mặt và bộ phận sinh dục thì càng nguy hiểm nhất là hoại tử da.

Kiến ba khoang đốt trẻ thường ở những nơi như: cổ, cẳng tay, vùng kín,.. do chúng bám vào quần áo rồi mới đốt. Do đó rất khó phát hiện sớm gây cản trở cho việc xử lý và điều trị, càng để lại di chứng nguy hiểm. 

Trường hợp bé bị kiến ba khoang cắn, sau đó trẻ vô tình chà xát và đưa lên mắt sẽ gây tổn thương mắt vô cùng nghiêm trọng.

Phân biệt kiến ba khoang đốt và giời leo hay zona

Có nhiều người nhầm lẫn giữa kiến ba khoang đốt và giời leo (zona) ở trẻ, dẫn đến việc điều trị kịp thời khó khăn và đưa tới gặp bác sĩ khi tình trạng da đã trở nên nặng hơn. Cách phân biệt như sau:

Phân biệt giời leo và vết kiến ba khoang đốt
Phân biệt giời leo và vết kiến ba khoang đốt
  • Điểm giống nhau: đều do côn trùng cắn, một bên là kiến ba khoang, bên kia là côn trùng bọ giời. Đều có bọng nước, nốt nhỏ li ti,…
  • Khác nhau: giời leo thì tổn thương da xuất hiện ở mọi nơi, theo chiều dọc thường khoảng 5cm và tự hết sau 5 đến 7 ngày, trong khi vết thương do kiến ba khoang thì xuất hiện ở mặt, cổ, gáy, cẳng chân, cẳng tay, tổn thương thành từng đám trên da, đau rát, lan rộng ra và thường thì không tự hết mà trở nên nặng hơn nếu không can thiệp.

Triệu chứng khi trẻ bị kiến ba khoang đốt

Tùy theo diện tiếp xúc trên da với chất độc và lượng chất độc kiến tiết ra khi đốt mà mức độ tổn thương khác nhau. Vị trí mà kiến ba khoang thường đốt trẻ: cổ, mặt, cẳng chân, cẳng tay, vùng kín,..

Triệu chứng đầu tiên là sau 6 đến 12 tiếng bị đốt, vùng da đó sẽ bị dát đỏ, thành vệt thành đám theo diện lan tỏa của dịch độc mà kiến tiết ra, vùng lõm có màu nâu hình tròn hoặc bầu dục.

Tình trạng viêm da nghiêm trọng do kiến ba khoang đốt
Tình trạng viêm da nghiêm trọng do kiến ba khoang đốt

Sau 1 đến 3 ngày, tại những chỗ bị kiến đốt sẽ dày cộm lên, có mụn nước, mụn mủ li ti, nếu như mụn nước dập ra lan chất độc đến những vùng da lân cận sẽ làm cho vết thương lan rộng ra hơn. Tính chất vết thương giống như vết thương bị bỏng.

Tại những vùng da bị đốt, trẻ sẽ cảm thấy bỏng rát, đau, khó chịu, nổi rần rần khiến trẻ quấy khóc,…Nếu vết thương lan rộng, lở loét còn nổi hạch và có thể khiến trẻ bị sốt.

Cách xử lý khi trẻ em bị kiến ba khoang đốt

Khi phát hiện kiến ba khoang đang đốt trẻ, tuyệt đối không được vội vàng dùng tay bắt hay chà xát chúng, mà hãy nhẹ nhàng để tờ giấy vào bên cạnh cho chúng bò sang và lấy ra khỏi người. Vì khi chà xát vô tình sẽ làm dịch độc của chúng dính lên da gây tổn thương như khi bị chúng đốt.

Sau khi bắt kiến ra khỏi (hoặc ngay sau khi phát hiện vết đốt) phải dùng ngay cồn 70 độ hoặc xà phòng rửa sạch vùng da đó cho trẻ, sẽ giảm thiểu tình trạng tổn thương đáng kể. Lưu ý khi rửa cho trẻ thì nên rửa nhẹ nhàng, không chà xát mạnh sẽ gây tổn thương và làm chất độc lây lan rộng hơn qua vùng lân cận.

Rửa nhẹ vết thương bằng xà phòng
Rửa nhẹ vết thương bằng xà phòng

Ngay sau đó đưa trẻ đến bác sĩ da liễu để được can thiệp xử lý kịp thời.

Tại đó, tùy theo tình trạng da trẻ khi bạn đưa trẻ đến gặp bác sĩ mà sẽ có những cách xử lý cho vùng da tổn thương của trẻ dịu nhẹ bớt cảm giác bỏng rát, ngứa ngáy. Nếu tình trạng nặng thì sẽ được kê thêm thuốc như sau.

  • Dùng cồn 70 độ sát khuẩn, rửa sạch vùng da bị tổn thương. Rửa nhẹ nhàng, tránh dập các nốt phồng rộp.
  • Bôi thuốc bôi da lên vùng da tổn thương vừa sát khuẩn, các loại thuốc có thể dùng như là Quantum care, corticoid, acyclovir xanh methylen, hồ nước,.. mỗi ngày dùng 4 đến 5 lần.
Thuốc bôi thường dùng khi bị kiến ba khoang đốt
Thuốc bôi thường dùng khi bị kiến ba khoang đốt
  • Bên cạnh đó khi tình trạng da tổn thương nặng còn kê thêm thuốc kháng sinh uống khi có dấu hiệu bội nhiễm, uống histamin khi có dấu hiệu kích ứng da mạnh ( rần rần khó chịu, ngứa…). 

(Thông tin chỉ mang tính tham khảo, phụ huynh cần mua thuốc và làm theo chỉ định của bác sỹ)

Lưu ý dùng thuốc khi điều trị vết thương do kiến ba khoang đốt

  • Đối với thuốc bôi da, có thể có nhiều tác dụng phụ, do đó không tự ý mua bôi cho trẻ. Khi bôi lên vùng da tổn thương của trẻ nếu có bất kỳ biểu hiện gì bất thường thì phải báo ngay cho bác sĩ để xử lý, trong trường hợp cần thiết sẽ đổi thuốc bôi khác.
  • Khi bôi thuốc phải bôi nhẹ nhàng tuy nhiên phải bôi sao cho thuốc thấm đều vào vùng da tổn thương thì mới đem lại hiệu quả, nếu chỉ quét nhẹ thuốc bôi vào và để đó (có thể vì sợ đau) thì vết thương sẽ rất lâu lành.
  •  Khi dùng thuốc kháng sinh phải tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để đem lại hiệu quả tốt nhất.
  • Lưu ý không nên dùng những loại lá đắp theo phương thức dân gian sẽ làm cho vết thương nặng hơn và dễ dẫn đến nhiễm trùng.

Cách phòng tránh trẻ bị kiến ba khoang đốt

Dùng màn chụp cho trẻ nhỏ
Dùng màn chụp cho trẻ nhỏ
  1. Mắc màn hoặc dùng màn chụp cho bé khi đi ngủ
  2. Khi sử dụng quần áo mặc cho trẻ cần hết sức chú ý, giũ sạch kiểm tra rồi mới mặc cho con, tránh trường hợp kiến ba khoang bám vào đấy sẽ đốt trẻ.
  3. Khăn lau mặt và khăn tắm cho trẻ cũng nên kiểm tra thật kỹ khi lau cho con, đó là nơi tạo điều kiện để kiến cắn lên mặt trẻ nếu chúng bám vào đó.
  4. Khi ngủ phải tập thói quen ngủ mắc màn cho trẻ vừa hạn chế kiến ba khoang vừa hạn chế được muỗi đốt.
  5. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thỉnh thoảng nên dùng thuốc diệt côn trùng để giữ nhà cửa không là nơi làm hang ổ của côn trùng.
  6. Vào buổi chiều tối phải nhớ đóng cửa sổ và có thể là cửa chính, nhất là phòng trẻ trước khi bật đèn lên. Chính ánh đèn là thứ thu hút kiến ba khoang bay vào nhà.
  7. Không nên dẫn trẻ đi vào những nơi cây cối bụi rậm, buổi tối không cho con đứng chơi dưới những bóng đèn, đó là nơi kiến ba khoang hay bay lại nên sẽ rất dễ đốt trẻ.

Khi bé bị kiến ba khoang cắn sẽ gây ra những tổn thương da vô cùng nghiêm trọng, tuy nhiên nếu mẹ phát hiện sớm và xử lý đúng cách thì sẽ không sao và sau khi hết thì da trẻ sẽ trở lại bình thường. Với những chia sẻ ở trên, reviewcathegioi.com hi vọng bạn có thể trang bị cho mình những bước cơ bản nhất để xử lý khi trẻ bị kiến ba khoang đốt nhé!

Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Phương Tâm tổng hợp và viết

(Từng công tác tại bệnh viện Đa Khoa Vĩnh Đức- Quảng Nam)

Nguồn ảnh: Sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.